DÙNG GẬY TRONG CHẠY TRAIL

Hiện nay có nhiều quan điểm tranh luận về việc có nên sử dụng gậy khi chạy ultramarathon. Những người ủng hộ sử dụng gậy cho rằng, gậy sẽ mang lại một số lợi ích như:

1) giảm tải cho đầu gối và cơ đùi trước khi xuống dốc;

2) cải thiện tư thế và tạo lực đẩy khi lên dốc;

3) tránh sưng phồng tay trong các cuộc đua đường dài;

4) tăng khả năng cân bằng và ổn định trên đường trail gồ ghề (đặc biệt nếu người chạy có xu hướng chóng mặt);

5) giúp phân tán trọng lượng khi đeo ba lô khi chạy;

6) dụng cụ trợ giúp khi băng qua sông suối;

7) tạo và duy trì nhịp/guồng tự nhiên hướng về phía trước

8) tạo khoảng trống trong những cuộc đua đông người: Gậy giúp tránh khả năng người khác chạy chèn ngang khoảng trống ngay trước mặt chúng ta. Gậy cũng rất có ích giúp chúng ta gạt gậy của người khác trong trường hợp bất ngờ xen ngang hoặc trượt về phía chúng ta trong khi chạy giữa đám đông.

Những người phản đối việc dùng gậy cho rằng gậy:

1) khiến chúng ta mất sức tập trung đảm bảo gậy không bị rơi và vị trí đặt gậy;

2) ảnh hưởng đến an toàn bản thân nếu bị ngã;

3) mòn tay cầm và buộc chúng ta phải mang bao tay;

4) tạo cảm giác vướng víu do tay không được chuyển động tự do;

5) tăng trọng lượng mang vác trong khi chạy;

6) tăng lượng năng lượng sử dụng khi chạy vì phải mang thêm đồ và phải sử dụng cánh tay và thân trên nhiều hơn trong khi chạy; và

7) chỉ dành cho người cao tuổi và người yếu đuối.

KỸ THUẬT DÙNG GẬY KHI CHẠY

Dùng gậy cần sự khéo léo và kỹ thuật, nếu không có thể dẫn tới tình trạng gậy vướng, đâm vào chân và làm cơ thể mất thăng bằng, té ngã.

Có 2 kỹ thuật chính khi dùng gậy để hỗ trợ chạy: chống cùng lúc 2 gậy hoặc chống luân phiên. Việc chọn phương pháp nào là tùy thuộc vào độ dốc và không gian có thể sử dụng gậy:

– Chống song song: rất có ích trong trường hợp dốc có độ dốc cao để giảm tải cho đùi bằng cách dùng cánh tay đẩy thân người lên khi lên dốc hoặc khi xuống dốc giúp ghìm cơ thể lại và giảm tải cho chân. Chúng ta có thể bước vài bước rồi mới chống gậy. Cố gắng duy trì tư thế ngả người về phía trước đồng thời chống gậy.

– Chống luân phiên: thích hợp trong trường hợp không gian hẹp và dốc có độ dốc thấp. Kỹ thuật này đòi hỏi cơ thể tiêu hao ít năng lượng hơn, đòi hỏi có sự di chuyển luân phiên, trong đó cánh tay đối diện chống và đẩy gậy ở phía trước mặt và cánh tay còn lại vung về phía sau. Kỹ thuật này có thể áp dụng trên đường bằng khi cơ thể đã đuối, mỏi. Khi tập luyện và sử dụng kỹ thuật này, chúng ta nên chạy bước ngắn để đảm bảo kỹ thuật trở nên thuần thục hơn.

Sử dụng gậy khi chạy trail

Loại gậy có thể gập gọn giúp tiết kiệm không gian khi chạy. Hiện nay có rất nhiều loại vest chạy bộ đã thiết kế vị trí treo gậy, rất thuận tiện khi sử dụng

Đối với loại gậy cố định, không gập lại được. Lưu ý dùng một tay mang gậy (hoặc mỗi tay một gậy) khi không sử dụng, hướng đầu nhọn về phía trước. Tư thế này giúp giảm thiểu khả năng chân đá phải đầu gậy hoặc vung đầu gậy vào người chạy phía sau. Nếu muốn chủ động sử dụng gậy khi chạy và hướng đầu nhọn về phía sau, cần lưu ý giữ gậy ở tư thế sát người nhất có thể, tránh đâm, thọc vào người chạy sau.

Cần cẩn trọng khi sử dụng gậy – nếu chẳng may va phải hoặc làm ai đó vấp ngã (hoặc bản thân chúng ta vấp ngã), khả năng gây chấn thương nặng là khá cao. Việc trở thành nạn nhân dưới mũi gậy của người khác cũng không hề dễ chịu chút nào

Cần lưu ý điểm đặt gậy ở trước mặt – chọn điểm vững chắc, không khiến gậy bị kẹp giữa hai hòn đá/rễ cây (vì có khả gãy gậy khi rút ra) và xa bàn chân chúng ta (và chân người khác).

Chống song song hay luân phiên? Bản thân tôi thấy rằng nên chống gậy song song ở những đoạn có độ dốc cao hoặc leo cầu thang để di chuyển nhanh hơn. Trong trường hợp còn lại tôi thường chống luân phiên.

Chọn gậy chạy trail như thế nào?

Nếu quyết định đầu tư một cặp gậy cạy trail, những tiêu chí chính chúng ta cần lưu tâm là: thiết kế nhỏ gọn, nhẹ và thoải mái cổ tay. Ưu tiên của người chạy trail là dễ cất và nhanh mở, tức tạo cho chúng ta cảm giác như không có gậy khi chạy hoặc có thể sử dụng gậy bất cứ lúc nào tùy thuộc vào địa hình. Gậy gọn nhất là loại gậy khi gập lại có chiều dài dưới 40cm!

Chúng ta nên cầm và thử gậy vì thoải mái là yếu tố quan trọng tránh trường hợp tay bị phồng rộp trong khi chạy. Một số loại gậy có dây hoặc một số rất ít có bao tay đi kèm (như Leki) để tạo cảm giác thoải mái hơn và đảm bảo các yếu tố về công thái nhưng lại hạn chế chuyển động của cơ thể.

Về kích thước gậy, mỗi hàng gậy đều có hướng dẫn chọn kích thước cho phù hợp. Nhìn chung kích thước giữa các hãng không có nhiều sự khác biệt. Các bạn có thể vào trang web của từng hãng để tham khảo.

Với sự phát triển của phong trào chạy bộ nói chung và chạy trail nói riêng, các thương hiệu gậy nổi tiếng đang ngày một du nhập nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Một số thương hiệu gậy phổ biến trong giới chạy trail có thể kể đến là Leki và Black Diamond với nhiều thiết kế kiểu dáng và màu sắc đa dạng phù hợp thị hiếu các chân chạy.